About me

My photo
Blog được viết khi rảnh và chỉ để các bạn muốn kiếm tiền online có thêm info. Nghề nghiệp chính không phải kiếm tiền online :)

Saturday, January 10, 2009

CÁCH ĐÁNH GÍA MỘT CÔNG TY

CÁCH ĐÁNH GÍA MỘT CÔNG TY
Câu hỏi nhức nhối nhất đối với tất cả những nhà đầu tư là làm cách nào để đánh giá một công ty chính xác nhất ngõ hầu bỏ tiền vào đầu tư mà không sợ thua lỗ? Để trả lời câu hỏi này, các nhà phân tích thị trường chứng khoán đề ra rất nhiều phương cách khác nhau, nhiều khi đối chọi với nhau mà chưa thấy có cách nào thật hoàn chỉnh giúp cho việc đầu tư không còn rủi ro nữa.
Chuyện giá cả một sản phẩm như đôi giầy hay cái quần cái áo thì dễ hiểu và gần như người nào thích đi mua sắm cũng có thể đánh giá một cách khá chính xác được.
Khó hơn một mức nữa là đánh giá một cửa hàng buôn bán như một quán cà phê, một cửa hàng sách v.v... Nhưng đối với các doanh gia có nhiều kinh nghiệm làm ăn chắc cũng không đến nỗi khó lắm.
Bây giờ đánh giá cả một công ty cổ phần đáng giá bao nhiêu thì có vẻ khó khăn thật nhưng nếu ta biết rằng công ty đó đã được chia nhỏ ra thành cổ phiếu thì công việc sẽ đơn giản hơn, bằng cách xem xét giá cổ phiếu của công ty đó đang rẻ hay đắt để mà quyết định mua hay bán.
Khi nói về trị giá của một công ty, ta lấy giá một cổ phiếu nhân lên tổng số lượng của công ty là ra ngay. Chẳng hạn giá cổ phiếu của Microsoft là $22, nhân với tổng số lượng cổ phiếu 10.2 tỉ, ta có con số $224.4 tỉ. Chủ nhân Bill Gates hiện đang giữ khoảng 30% tổng số phiếu, tức trên $60 tỉ và là người giàu nhất thế giới nhiều năm qua.
Ngoài chuyện đánh giá giá cổ phiếu, chúng ta lại còn phải tiên đoán giá cả này sẽ lên hay xuống trong tương lai nữa.
Việc tiên đoán giá cả của một cổ phiếu nói riêng và của thị trường nói chung cũng khó khăn như tiên đoán thời tiết. Đối đa số chúng ta thì không tài nào biết được ngày mai trời sẽ mưa hay nắng.
Nhưng tại sao các nhà khí tượng lại có thể tiên đoán thời tiết đôi khi chính xác đến độ kinh ngạc? Chẳng qua là họ đã được huấn luyện biết cách thâu thập các dữ kiện như nhiệt độ, sức gió, mây, nhiệt độ, mùa... tổng hợp lại để phân tích và so sánh với những mẫu mực có sẵn và tiên đoán ra thời tiết trong những ngày sắp tới sẽ ra sao.
Cũng như vậy, chúng tôi cho rằng nếu cất công tìm hiểu kỹ lưỡng, thâu thập càng nhiều dữ kiện về công ty mình sắp sửa đầu tư vào, chúng ta sẽ phần nào loại bớt được những sự rủi ro và hi vọng việc đầu tư sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Trước hết chúng ta phải hiểu rằng giá cả cuả tất cả mọi thứ trên đơì này mang một ý nghĩa hết sức tương đối và hoàn toàn tùy thuộc vào định luật cung và cầu . Cung ít, cầu nhiều, giá lên, còn cung nhiều, cầu ít, giá xuống. Tại sao căn nhà này trị giá $500,000? Chẳng qua chỉ vì có người chịu mua với giá đó. Mà tại sao người ta lại chịu mua giá đó? Vì người mua cảm thấy giá này có vẻ “đúng giá” hoặc “rẻ quá” so với các căn nhà chung quanh. Như vậy, giá căn nhà hết sức chủ quan theo cảm nhận của người mua. Vả lại, chỉ có một căn đang treo bảng bán trong khu vực đó, không mua sẽ có người mua mất.
Tại sao trái cây dạo này rẻ quá vậy? Bà con nông dân được mùa nên cung nhiều, cần bán rẻ cho hết kẻo hư thối cũng phải vứt bỏ đi thôi.

Như vậy làm sao đánh giá một công ty, hoặc giá cổ phiếu của công ty đó?
Điều trước tiên, ta phải sử dụng đến lẽ thông thường.
Khi mua một cơ sở làm ăn, điều đầu tiên ta chú ý là cơ sở này làm ăn kinh doanh mặt hàng gì? Công việc tiến triển như thế nào, tương lai ra sao và nhất là lời lãi ra sao? Việc mua cổ phiếu đồng nghĩa với việc ta tham gia cùng làm ăn chung với công ty đó. Tuy nhiên cổ đông có quyền được ngưng việc làm ăn chung bất cứ lúc nào bằng cách bán cổ phiếu đi.

Bây giờ giả sử bạn bỏ ra $10,000 làm ăn, lãi ròng được $1,000 hàng năm tức 10%, chắc hẳn bạn tạm hài lòng? Dĩ nhiên lời càng nhiều càng tốt nhưng thôi thì 10% cũng tạm được đi.
Như vậy ta có thể tạm lấy con số 10% này làm căn bản để tính toán.
Bây giờ nếu ta biết công ty đó hàng năm lãi được $1 triệu, thì ta có thể tính ngược lại công ty này đáng giá $10 triệu mà không sợ bị hố.
Chia đều cho tổng số lượng shares, ta có được giá phỏng chừng của một cổ phiếu. Giả sử công ty hiện đang lưu hành 1 triệu cổ phiếu, ta thấy ngay giá một cổ phiếu có thể đáng giá $10.
Tuy nhiên, do tính hiệu quả (efficiency) của thị trường, giá trị cổ phiếu thường không ngừng ở con số $10 này mà thường được đẩy cao hơn vì các nhà đầu tư luôn luôn nhìn về tương lai công ty sẽ còn lời hơn nữa trong năm tới. Đó chính là lý do cho thấy tại sao công việc đầu tư mang nhiều tính chất rủi ro vì nếu công ty thất bại không mang lại hiệu quả mong muốn, giới đầu tư sẽ bán cổ phiếu này giá tụt có khi rất mạnh.
Có nhiều yếu tố khác nữa giúp chúng ta đánh giá trị một công ty như:

-book value (giá trị sổ sách). Đây là tổng tài sản của công ty hiện có sau khi trừ đi các khoản nợ. TTS này bao giờ tiền mặt, cơ xưởng thiết bị, xe cộ, bất động sản, tài sản trí tuệ v.v... Đối với các công ty sử dụng trí tuệ như các công ty phần mềm thì hơi khó đánh giá vì phần lớn là tài sản trí tuệ nhưng cách đánh giá này cũng có giá trị nhất định trong một số ngành kỹ nghệ như xây dựng, khách sạn, tài chánh v.v...

Quý vị nào có xem phim “Pretty Woman” do Richard Gere và Julia Roberts chắc có để ý là công ty Richard Gere chuyên môn đi mua những công ty khác đang khó khăn để “sẻ thịt” bán từng phần, có lợi hơn là duy trì sản xuất. Cũng xin kể tiếp câu chuyện là sau cùng vì tình yêu, anh chàng Richard Gere trở thành người tốt, mua công ty nhưng vẫn duy trì sản xuất để công nhân không bị mất việc. Nhưng đó là xi nê

-price/sales (chỉ số giá/doanh thu). Giá và doanh thu đây được tính trên 1 cổ
phiếu. Trung bình là 1. Càng cao có nghĩa là giá cổ phiếu càng mắc. Dưới 1 là bắt đầu rẻ.
Ví dụ: Công ty X giá cổ phía đang là $10, doanh thu cũng là $10. Chỉ số là 1. Bây giờ, ban giám đốc thông báo là sang năm doanh thu sẽ tăng 50%, tức $15 cho mỗi cổ phiếu. Dĩ nhiên là giới đầu tư sẽ nhảy vào mua cổ phiếu công ty X với hi vọng giá cổ phiếu sẽ tăng lên đến $15.

-debt ratio : tỉ lệ nợ/tài sản. Điều này dễ hiểu vì càng nợ nhiều, càng dễ có khả năng bị phá sản.

Ngoài ra còn nhiều các yếu tố nữa nhưng yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là:
Lợi Nhuận (earnings).

Đến đây tôi xin dừng lại một chút để nói về tầm cỡ lớn nhỏ khác nhau của các công ty. Công ty lớn như Microsoft, Intel hàng năm lợi nhuận rất khổng lồ, hàng chục tỉ $ nhưng vì số lượng cổ phiếu lớn không kém nên lợi nhuận tính trên cổ phiếu cũng khiêm tốn thôi. Trong khi đó, có những công ty nhỏ có lợi nhuận khiêm tốn, chẳng hạn chỉ vài chục triệu $ nhưng vì số lượng cổ phiếu không cao, nên lợi nhuận tính trên cổ phiếu cao hơn nên lại là những cơ hội đầu tư tốt hơn.

Con số lợi nhuận trên từng cổ phiếu được gọi là EPS (earnings per share).

Các nhà đầu tư chú ý nhất là con số PE (price/earnings) tức là tỉ lệ giá/lãi.
Con số PE càng cao, giá cổ phiếu có vẻ càng mắc. Hiện nay PE của S&P 500 nằm vào khoảng 12. Có những lúc vào đầu năm 2000, con số PE này lên tới 35, chứng tỏ giới đầu tư đã đẩy giá cổ phiếu lên quá cao, hiện tượng sụp đổ vào những năm về sau cũng có những lý do của nó.

Cách đánh giá một công ty kể trên nằm trong một trường phái đầu tư gọi là Fundamentals tức là phương pháp nghiên cứu tìm hiểu mọi mặt về công ty đang muốn đầu tư vào. Nhân vật tiêu biểu nhất cho trường phái đầu tư này là Warren Buffet, một huyền thoại sống của Thị Trường Chứng Khoán và là người giàu thứ nhì hành tinh sau Bill Gates.

Nói chung có hai trường phái đầu tư chính là Fundamentals như đã kể ở trên và trường phái Technical Analysis, là phương pháp đầu tư hoàn toàn dựa vào biểu đồ để tiên đoán giá cổ phiếu sẽ lên hay xuống trong tương lai. Phương pháp này không cần biết hoạt động của công ty ra sao, làm ăn mặt hàng gì mà chỉ cần theo dõi biểu đồ mà kết luận lúc nào mua, lúc nào bán thuận lợi nhất.

No comments:

Blog Archive

About me