About me

My photo
Blog được viết khi rảnh và chỉ để các bạn muốn kiếm tiền online có thêm info. Nghề nghiệp chính không phải kiếm tiền online :)

Sunday, January 11, 2009

TTCK New York năm 1929: Nhìn lại và suy ngẫm

TTCK New York năm 1929: Nhìn lại và suy ngẫm

Sau Thế chiến thứ nhất, kinh tế thế giới hồi phục, le lói hy vọng về “những năm 1920 vàng son”. Thị trường chứng khoán New York nổi như cồn. Thế nhưng...

Tỷ lệ lạm phát thấp, lương tăng cao, các ngành công nghiệp mới phát triển mạnh, các sản phẩm mới ra đời như radio, phim lồng âm thanh... Bức tranh sáng sủa này hứa hẹn rằng kinh tế thế giới đã đến thời bùng nổ. Những mặt hàng trước đó thuộc loại xa xỉ đã trở nên phổ cập. Ngay cả xe ôtô Ford mác Lizinka nhờ sản xuất hàng loạt đã rẻ nhiều và trở thành xe bình dân. “Mỗi ngày chỉ 1 USD, 1 năm có xe Ford“ đã trở thành slogan của nhà sản xuất. Kinh tế khởi sắc ban đầu từ Mỹ, rồi lan tỏa sang châu Âu.

Năm tháng huy hoàng

Thành tựu khởi sắc kinh tế hiển nhiên đã được phản ánh trên thị trường vốn. Chỉ số cổ phiếu Dow Jones công nghiệp (DJIA) sau môt năm đã đạt mức 150. Nếu như trước đó, chỉ có những nhà kinh doanh chuyên nghiệp và có vốn lớn mới đầu tư chứng khoán thì từ giữa thập niên 1920, đại bộ phận công chúng đã bắt đầu tham gia thị trường này. Người nghèo cũng đổ xô đi mua cổ phiếu.

Ngày 13/5/1927, chỉ số chứng khoán sụt giảm đôi chút nhưng cũng không làm mất không khí lạc quan, các công ty mới vẫn tiếp tục ra đời. Thống kê cho thấy: trong thời kỳ 1921-1928, sản xuất công nghiệp ở Mỹ mỗi năm tăng trung bình 4% thì chỉ riêng trong năm 1928 đã tăng 15%. Chỉ từ 1927-1929, các công ty đầu tư đã tăng tài sản lên đến 10 lần. Dân chúng đổ xô đầu tư vào bất kỳ loại cổ phiếu nào mà không cần tính toán. Nhiều người cầm cố cổ phiếu vay nợ để tiếp tục đầu tư với khối lượng lớn hơn nhiều. Vào mùa Hè năm 1929, chỉ số Dow Jones đã tăng gấp 3 lần so với năm 1924.

Mừng vui khôn xiết, báo chí Mỹ lúc đó không tiếc lời giật tít: Mỗi người có trách nhiệm làm giàu, Cổ phiếu thần diệu... Còn các ngân hàng và chuyên gia kinh tế thì khen ngợi lẫn nhau và đưa ra những dự báo cực kỳ sáng sủa, đồng thời tự nhận sứ mạng thúc đẩy TTCK lên cao và cao mãi. Hầu như mọi cổ phiếu vừa phát hành đều được mua hết với giá cao chưa từng thấy. Thí dụ năm 1928, Goldman, Sachs&Company phát hành cổ phiếu với giá khởi đầu là 104 USD. Chỉ mấy tuần sau đó, chính xác là ngày 27/2/1929, cổ phiếu này đã ở mức 222,5 USD. Trong suốt 22 năm (1906-1927), chỉ số DJIA đánh vật để lên từ 100 đến 200 điểm. Thế nhưng chỉ một năm sau, chỉ số Dow Jones đã có thêm 100 điểm để đạt và chuẩn bị tư thế vượt mốc 300.

Phớt lờ cảnh báo

Gọi là bất ngờ, nhưng trước khi sụp đổ, TTCK New York đã có vài triệu chứng đáng lưu ý ngay từ mùa Xuân năm 1929. Do được mùa liền 2 năm, giá lúa mì giảm nhanh chóng làm cho ngành nông nghiệp khó khăn ở đầu ra. Cuối tháng 5/1929, chỉ số DJIA chững lại và sau đó giảm gần 10%.

Thế nhưng TTCK lại hồi phục và đi lên làm tan biến những lời chỉ trích. Ngày 3/9/1929, chỉ số Dow Jones đã đạt kỷ lục trong lịch sử là 381,17. Chỉ hai ngày sau, nhà phân tích tài chính nổi tiếng Roger Ward Babson đã cảnh báo rằng TTCK New York sắp sụp đổ. Mặc dù đại bộ phận nhà đầu tư cười chế nhạo trước dự báo này, thị trường ít nhiều bị xáo trộn và mất điểm 10%.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến rất lạc quan, nhất là từ phía các nhà điều hành chứng khoán. Lúc này, GS. Irving Fischer của Đại học Yale tuyên bố: “Mặc dù TTCK đang bùng nổ nhưng giá trị cổ phiếu vẫn chưa đạt mức giá thực tế“. Ngay lập tức, giá các cổ phiếu lại lên cho đến cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm đó.

Mặc dù đã xuất hiện những triệu chứng bất ổn nhưng hầu như không nhà đầu tư nào đếm xỉa đến những lời cảnh báo. Thậm chí GS. Stagg Lawrence, Đại học Princetown còn tuyên bố ông không hiểu vì sao lại cho rằng giá cổ phiếu quá cao. Còn Charles Mitchell, Giám đốc National City Bank, ngày 15/10 còn khẳng định rằng tất cả các sàn giao dịch chứng khoán trong nước đều rất tuyệt vời.

Những ngày đen tối chẳng trừ ai

Tuy nhiên, bóng đen của thảm họa vẫn cứ đến. Ngày 20/10/1929, các báo ra ngày Chủ nhật đồng loạt đưa tin rằng nhiều cổ phiếu đầu cơ mua vào trong đợt xuống giá lần trước bằng cách cầm cố chứng khoán ở ngân hàng nay đang bị giải chấp. Thế là nhiều nhà đầu tư vội vã bán cổ phiếu với giá thấp hơn một chút nhưng khối lượng lớn. Đến ngày 24/10, hầu hết nhà đầu tư đều mỏi mệt và chỉ ít lâu sau, thị trường tràn ngập lệnh bán. Trước tiên, người ta bán tháo cổ phiếu mua từ tiền vay ngân hàng. Chỉ trong nửa giờ, 1,6 triệu cổ phiếu thay chủ sở hữu. Chỉ trong giây lát, các lệnh mua đều biến mất, để lại nỗi kinh hoàng cho giới đầu tư. Ai cũng muốn bán cho nhanh cổ phiếu với bất cứ giá nào. Trong một buổi sáng, 11,25 tỷ USD đã không cánh mà bay.

Đầu giờ chiều hôm đó, tại trụ sở của hãng J.P.Morgan&Co ở Phố Wall, các ông trùm ngân hàng lớn có cuộc họp khẩn cấp để thành lập Hiệp hội bình ổn giá cổ phiếu. Sau đó, Phó Chủ tịch TTCK New York Richard Whitney đã đặt lệnh mua với khối lượng lớn cổ phiếu của Hiệp hội trên nhằm hỗ trợ các cổ phiếu Blue Chip. Nhờ vậy, tình hình thị trường tạm ổn. Cả ngày có tới 12.894.650 cổ phiếu của 974 công ty được giao dịch, tức là gấp 4 lần mức giao dịch bình thường.

Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, tất cả TTCK ở châu Âu đều sụt giá do tình trạng bán tháo cổ phiếu. Thị trường New York cũng diễn ra như vậy. Từ đó, ngày 25/10 được gọi là “ngày thứ Sáu đen tối“. Nhiều nhà đầu tư và nhiều ngân hàng nhỏ mất khả năng thanh toán. Đúng ngày này, trong lúc rối ren, Tổng thống Mỹ Herbert Clark Hoover mạnh bạo tuyên bố: “Nền kinh tế và tình hình kinh doanh của nước Mỹ về cơ bản hoàn toàn khỏe khoắn“. Như liều thuốc trấn an những người đang hoang mang, ngay buổi tối, TTCK giữ được mức hôm thứ 5 với kết quả 8 triệu cổ phiếu được trao đổi.

Sự kiên trì của các nhà đầu tư kéo dài qua được ngày thứ 7 và Chủ nhật, nhưng sang ngày đầu tuần, thị trường lại tràn ngập các lệnh bán. Sức kháng cự đã hoàn toàn tê liệt, tâm trạng bất lực bao phủ khắp nơi, bất chấp sự can thiệp của hiệp hội ngân hàng bằng các lệnh hỗ trợ mua. Bất chấp cổ phiếu mất giá, giao dịch vẫn đạt thêm 9 triệu cổ phiếu. Chỉ số Dow Jones mất thêm 13% và ở mức 260,64 điểm và như vậy chỉ trong một ngày, TTCK New York đã mất đi 14 tỷ USD. Sau “ngày thứ Hai đen tối” này lại kế tiếp “ngày thứ Ba đen tối“. Cho đến 17 giờ 30 phút đã có 16.410.000 cổ phiếu thay đổi chủ nhân. Dow Jones mất tiếp 12% và dừng ở chỉ số 230,07 điểm và sau một tuần đã sụt giảm 1/3 giá trị.

Khoảng từ 1 đến 3 triệu người Mỹ khuynh gia bại sản. Sự mất mát chẳng trừ ai, cho dù đó là các bà nội trợ, con ở, công nhân, giáo sư đại học, nhà triệu phú hoặc là kẻ đầu cơ cáo già… Bill Durant, “sếp“ của General Motos thời đó, mất tới 40 triệu USD.

Sau đó một ngày, tức là thứ Tư (30/10), tình thế lại xoay ngược, nỗi hoảng sợ tan biến. Nhờ việc một số công ty trả lợi tức và nhất là tin J.D.Rockefeller mua vào cổ phiếu đã làm cho giá cổ phiếu tăng ngay vào buổi chiều. So với hôm thứ 3, chỉ số DJIA tăng hơn 12% và đạt mức 258,47 điểm. Ngày 31/10, các chỉ số vẫn tiếp tục tăng và Dow Jones đạt mức 273,51 điểm. Tuy nhiên, niềm hy vọng cổ phiếu tăng thuận chiều đã không trở thành hiện thực. Đường cong đồ thị lại quay đầu đi xuống và ngày 13/11, chỉ số Dow Jones chỉ còn 198,69 điểm, tức là mức thấp nhất của năm 1929.

Từ giữa tháng 11, niềm hy vọng lại lóe lên nhưng giấc mơ về những năm tháng vàng son của thập kỷ 20 thì không bao giờ trở lại. Kinh tế thế giới đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng lâu dài và bước vào cuộc “đại suy thoái“ lớn nhất trong lịch sử. Nhiều nhà đầu tư đã không còn nhớ đến cổ phiếu của mình và phải đợi ¼ thế kỷ sau, tức là ngày 23/11/1954, chỉ số Dow Jones mới vượt ngưỡng 381 điểm, tức là mốc kỷ lục được lập ngày 3/9/1929.

No comments:

Blog Archive

About me